Nền kinh tế thế giới cấu tạo thế nào?

Ngân hàng Thế giới ước tính kinh tế thế giới có giá trị danh nghĩa khoảng 80 nghìn tỷ USD trong năm 2017, trong đó 10 nền kinh tế lớn nhất chiếm hơn một nửa.

Về mặt danh nghĩa, Mỹ vân là nền kinh tế có GDP lớn nhất 19,4 nghìn tỷ USD, tương đương 24,4% kinh tế thế giới. Trung Quốc xếp thứ hai với 12,2 nghìn tỷ USD, chiếm 15,4% kinh tế thế giới.

Hai vị trí tiếp theo là Nhật Bản, 4,9 nghìn tỷ USD, và Đức, 4,6 nghìn tỷ USD. 4 nền kinh tế lớn nhất chiếm hơn 50% giá trị kinh tế toàn cầu.

kttg

Máy Nghề Mộc MBT

(Sưu tầm)

220 triệu đồng/chùm nho: Vì sao người Nhật làm được?

Hầu hết các sản phẩm hoaquả của Nhật Bản được bán tại Việt Nam có giá trị gấp nhiều lần so với sản phẩm nội địa.

Trong nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu thưởng thức những loại hoa quả Nhật Bản, mặc cho giá của chúng gần bằng một chỉ vàng/ kg.

Vào khoảng tháng 5-2018, tại Nhật Bản đã bán đấu giá thành công một cặp dưa lưới có giá trị bằng một chiếc ô tô tại Nhật. Cặp dưa này là hai trong số 507 quả dưa lưới đầu mùa được trồng ở thành phố Yabari, Hokkaido. Chúng được mang ra đấu giá tại chợ đầu mối hoa quả Sapporo.

Điều đáng nói là chỉ trong vòng 10 giây, giá của cặp dưa lưới đã tăng chóng mặt. Kết quả, người thắng đấu giá là ông Shinya Noda, chủ một công ty đóng gói rau quả tại Yubari. Ông đã mua cặp dưa với giá 3,2 triệu yen, tương đương 29.300 USD (tức hơn 665 triệu đồng). Sau đó, cặp dưa sẽ được cắt ra để mời khách đến chợ thưởng thức.

Hay như chùm nho đắt nhất trong lịch sử nước này chính là chùm Ruby Roman được bán ra vào tháng 7-2017 với giá hơn 9.700 USD (khoảng 221 triệu đồng). Hay loại xoài đỏ, được mệnh danh là những “Quả trứng mặt trời” được biết đến như là một loại trái cây xa xỉ nhất thế giới.

Theo một số trang bán hàng qua mạng, một quả xoài đỏ Nhật Bản nặng chỉ 350-400 g nhưng giá bán lên đến gần 1,7 triệu đồng. Nếu tính theo cân, xoài Nhật đắt gấp cả 100 lần giá xoài của Việt Nam.

Không chỉ có những sản phẩm cá biệt đắt không tưởng, trái cây cao cấp của Nhật Bản vốn cũng nổi tiếng đắt đỏ. Vậy tại sao trái cây Nhật Bản lại có sở hữu mức giá cao đến vậy?

Yếu tố văn hóa biếu-tặng

Nếu như ở các nước phương Tây và Việt Nam, trái cây được coi là mặt hàng mang lại giá trị dinh dưỡng thì người Nhật từ xa xưa đã dùng trái cây để cúng thần linh. Vì lý do này, trái cây đã được xem như một biểu tượng quan trọng của sự tôn trọng. Thêm vào đó, tặng quà là văn hóa rất quan trọng tại đây và trái cây luôn là lựa chọn hàng đầu. Nó mang giá trị về tinh thần lẫn vật chất không nhỏ.

Trong một bài phát biểu trên CNN, ông Soyeon Shim, Hiệu trưởng Trường Sinh thái học con người tại ĐH Wisconsin-Madison, lý giải về sự đắt đỏ của trái cây Nhật, rằng: “Trái cây được đối xử khác biệt trong văn hóa châu Á và đặc biệt là xã hội Nhật Bản”. Theo đó, ông cho hay việc mua và tiêu thụ trái cây ở đất nước này gắn liền với thực tiễn xã hội và văn hóa.

“Trái cây không chỉ là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của họ, nhưng có lẽ quan trọng hơn, trái cây được coi là một mặt hàng cao cấp và là một phần nghi lễ quan trọng và phức tạp trong nghi thức tặng quà của Nhật Bản. Mọi người mua những loại trái cây đắt tiền này để chứng minh quà tặng đặc biệt của họ đối với người nhận như thế nào”, ông cho hay.

Ken Gehrt, Giáo sư tiếp thị tại ĐH bang San Jose, California, cũng cùng quan điểm khi nói rằng: “Trái cây ngon là một phần của quá trình đầy tỉ mỉ trong phát triển mối quan hệ ở Nhật Bản”. Do đó ngay tại Nhật Bản trái cây đã trở thành một mặt hàng cao cấp, do đó khi qua Việt Nam, mặt hàng này cũng mang một giá trị khác so với các sản phẩm nội địa.

Yếu tố sản xuất, đóng gói

Trái cây Nhật Bản có giá cao và đạt được những mức không tưởng nhờ hội tụ các lý do hữu hình như giống, công trồng trọt và chăm sóc tỉ mỉ, đến các lý do vô hình, ảnh hưởng bởi văn hóa đấu giá, biếu tặng.

Trên tờ Reader’s Digest có một bài viết lý giải vì sao một trái dưa Nhật lại có giá hơn 2 triệu đồng. Theo đó, trước khi trồng một dây dưa, nông dân lựa chọn những hạt giống tốt nhất để trồng trong nhà kính. Sau khi cây nở hoa, nông dân sẽ cắt bỏ hết các chồi phụ, hoa không cần thiết và chỉ thụ phấn cho những bông hoa đẹp nhất bằng tay thông qua một cây cọ.

Khi cây kết quả, chỉ một quả duy nhất được chọn giữ lại để nó không phải cạnh tranh dinh dưỡng với quả khác trên cùng dây. Các quả dưa sẽ được đội một chiếc nón (tương tự như nón lá) giúp không bị cháy nắng.

Đặc biệt, các quả dưa còn phải được mát xa. Nông dân sẽ đeo găng tay trắng để mát xa nhẹ thường xuyên cho chúng, giúp quả đạt được hình cầu hoàn hảo và màu da đẹp hơn. Có thể thấy ở góc độ trồng trọt, sản xuất trái cây thượng hạng là cả một quá trình hết sức cầu kỳ.

Điều này một lần nữa được khẳng định tại buổi hội thảo “Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn của Nhật Bản – Những bài học từ thực tiễn” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức vào tháng 9 vừa qua. Ông Hiroshi Matsuura ở Đại sứ quán Nhật Bản cũng lý giải vì sao đất nước này lại có thể làm ra một quả xoài có giá 800.000 đồng.

Theo đó, ông cho hay Chính phủ Nhật Bản quan tâm tới việc tạo ra giá trị gia tăng cho nông dân thay vì chỉ gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp thương mại. Họ khuyến khích người nông dân tham gia hợp tác xã để đủ tài chính sở hữu các kho trữ lạnh, bảo quản tốt nông sản khi tới tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, một quả xoài của Nhật Bản hiện nay có giá tương ứng với 800.000 đồng.

Không chỉ sản xuất thông thường mà quá trình gia công, chế biến cũng được đề cao. “Chỉ riêng việc cắt rau, củ quả và đóng gói cũng đã là một doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản” – ông Hiroshi Matsuura nói.

Theo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Ngành thép không gỉ toàn cầu đang lo lắng

Tình trạng dư thừa thép không gỉ tại Trung Quốc sau khi Indonesia mở rộng công suất sản xuất đang đe dọa không chỉ các nhà máy thép không gỉ trên toàn cầu mà cả các nhà sản xuất nickel – nguyên liệu sản xuất thép không gỉ.

Bước ngoặt về sự thay đổi lớn về mặt cơ cấu là Trung Quốc – nước sản xuất và tiêu thụ khoảng một nửa thép không gỉ trên toàn cầu – vào tháng 12/2017 đã trở thành nhà nhập khẩu ròng trên quy mô lớn mặt hàng hàng thép không gỉ cuộn cán nóng, lần đầu tiên trong vòng hơn 7 năm, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Thép Quốc tế và tổ chức tư vấn CRU.

Điều này xảy ra sau khi hãng sản xuất thép không gỉ khổng lồ của Trung Quốc, Tsingshan, tháng 8/2017 bắt đầu sản xuất tại nhà máy đặt ở Indonesia. Công suất của nhà máy này ở thời điểm cuối năm 2018 dự kiến sẽ đạt 3 triệu tấn, tức là tương đương 6% tổng công suất thép không gỉ tấm phẳng trên toàn cầu (theo CRU).

Chưa dừng ở đó, đến năm 2019 hãng Delong Holdings của Trung Quốc cũng cũng sẽ bắt đầu cho đi vào hoạt động nhà máy thép không gỉ ở Indonesia.

“Dự kiến đến năm 2021, khi các nhà máy của Delong và Tsingshan hoạt động hết khả năng, công suất của Indonesia sẽ lên tới trên 5 triệu tấn, chiếm gần 10% công suất toàn cầu”, nhà phân tích Michael Finch của CRU cho biết, và thêm rằng hãng Tsingshan là hãng có “chi phí sản xuất cực kỳ thấp nhờ các lợi thế là nguồn năng lượng đảm bảo và tự sản xuất được ferrochrome và quặng nickel- sắt, là những nguyên liệu chính trong sản xuất thép không gỉ”.

Cũng theo CRU, hãng này bán hầu hết sản phẩm của mình tại thị trường Trung Quốc, nơi mà lượng tồn trữ thép không gỉ đã tăng 80% kể từ cuối tháng 12/2017 lên mức cao nhất trong vòng hơn 8 năm vào giữa tháng 8/2018. Giá thép không gỉ tại Trung Quốc từ giữa tháng 1/2018 tới nay tương đối vững ở mức khoảng 15.500 CNY/tấn.

Các nhà sản xuất thép không gỉ bên ngoài Trung Quốc đang vô cùng lo lắng.

Hãng Outokumpu của Phần Lan thông báo lợi nhuận trong quý 1/2018 đã giảm hơn một nửa do giá giảm, và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm hơn nữa trong quý này. Hãng Acerinox của Tây Ban Nha cũng thông báo doanh thu trong quý 1 năm nay giảm 40%. Các hãng khác cũng thông báo về “tác động tiêu cực” từ công suất sản xuất có chi phí rất rẻ ở Indonesia, trong bối cảnh các thị trường thép không gỉ châu Á đang ế ẩm, buộc nhiều hãng phải trông cậy vào các thị trường châu Âu và châu Phi.

Thị trường thép không gỉ suy yếu cũng gây lo ngại cho các nhà sản xuất nickel bởi 2/3 nhu cầu nickel trên toàn cầu đến từ các nhà máy thép không gỉ.

Giá nickel trên Sàn London (LME) đã tăng 27% trong năm 2017 khi sản lượng thép không gỉ toàn cầu tăng, và tiếp tục tăng 10% trong năm nay, hiện ở mức khoảng 14.000 USD/tấn.

Trong khi đó, giá thép không gỉ không tăng, do vậy các nhà máy, nhất là những nhà máy đang bị thu lỗ, buộc phải cắt giảm sản lượng.

ING cho hay nhiều nhà máy của Trung Quốc đã bị lỗ vì từ tháng 12 năm ngoái giá thép không gỉ đã giảm xuống thấp hơn cả giá nickel.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc đưa tin rằng, để giảm tình trạng dư thừa, các nhà máy thép không gỉ nước này đang phải cắt giảm sản lượng bằng cách hoặc đóng cửa nghỉ để bảo dưỡng, hoặc chuyển từ sản xuất thép không gỉ sang thép cácbon.

Do dó, nhà phân tích Oliver Nugent của ING dự báo giá nickel sẽ xuống dưới 13.000 USD/tấn vào cuối năm nay. Điều này cũng có lý, bởi giá nickel đã tăng khoảng 25% từ tháng 12 năm ngoái tới nay, trong khi thép không gỉ vẫn không thay đổi.

Theo Trí thức trẻ.

70% giấy tại Việt Nam sản xuất từ phế liệu

70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu; trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu.

Đó là thông tin được ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết tại hội thảo “Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam” do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tổ chức ngày 16/10.

Theo ông Dũng, các doanh nghiệp tái chế giấy chuyên nghiệp, có năng lực tái chế tốt rất cần nguồn nguyên liệu giấy và rõ ràng nhập khẩu là một giải pháp bắt buộc trong bối cảnh trong nước không đủ nguyên liệu sản xuất.

Đề cập tới vai trò là nguồn nguyên liệu không thể thay thế của giấy phế liệu trong ngành sản xuất giấy, ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam trích dẫn kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển trong đó có Nhật Bản, Mỹ đã và đang tái chế giấy phế liệu. Hoạt động tái chế giấy trở thành hoạt động kinh doanh từ khâu thu gom tại nguồn phát sinh đến khâu xử lý và tiêu hủy cuối cùng, nên tạo ra nhiều giá trị kinh tế.

“Không nên coi giấy thu hồi là phế liệu mà là nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất. Muốn gia tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất giấy và thu gom, xử lý, tái chế giấy phế liệu cần tăng cường hậu kiểm tại các nhà máy sản xuất như cách làm của các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ… đang thực hiện”, ông Sơn kiến nghị.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tranh luận về Dự thảo sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, đa phần ý kiến đều ghi nhận việc siết chặt quản lý phế liệu này là cần thiết vì đã có một số doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu cho sản xuất để nhập “rác” vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều nhóm phế liệu giấy như giấy hỗn hợp vẫn là nguyên liệu sản xuất quan trọng của các ngành công nghiệp tái chế có khả năng sẽ bị đưa ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu trong tương lai gần, dẫn đến nhiều vấn đề tồn đọng cho doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Đình Thưởng, chuyên gia phân tích chính sách, nếu loại bỏ nguồn nguyên liệu tái chế này chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp giấy lao đao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành giấy. Mặt khác, việc Chính phủ siết chặt quản lý đột ngột khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động. Nhà máy cần vận hành hàng ngày nhưng nguyên liệu cần lại không thể đến, khiến hoạt động sản xuất đình trệ. Việc này cũng sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đến một chuỗi các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp bao bì, ngành công nghiệp xuất khẩu…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu của các nước khác, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu tại Việt Nam để đưa ra được chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan Nhà nước có liên quan tham vấn các doanh nghiệp để có quan điểm khách quan hơn hơn để dần hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết.

Về nguy cơ ô nhiễm môi trường, ông Dũng cho rằng, bất cứ doanh nghiệp giấy nào khi sử dụng phế liệu hay bất cứ nguồn nguyên liệu nào khác, nhập khẩu hay thu mua trong nước để sản xuất đều có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp quản lý tốt. Đó là chưa kể quan ngại về việc nhập khẩu phế liệu sẽ biến Việt Nam trở thành bãi rác. Điều này chỉ đúng khi nguyên liệu nhập về không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào, còn một khi đã là nguyên liệu sản xuất quan trọng, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì cần cẩn trọng xem xét.Các chuyên gia cũng kiến nghị cần sớm xây dựng quy phạm pháp luật hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho ngành giấy phát triển, nhưng đồng thời vẫn quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra định hướng chính sách phù hợp, đặc biệt là cân nhắc lộ trình áp dụng chính sách.

Dự kiến, nhu cầu giấy của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng từ 8-10%/năm, đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ (USD) và tiềm năng phát triển sẽ là rất lớn.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong